Sau đây là bài phân tích theo góc nhìn của anh Phuc Huynh (một thạc sĩ Harvard) về NFT Game và Cryptocurrency nói chung, anh em nhà đầu tư thấy sao về nhận định này?
Tối hôm qua, tôi đã có một buổi chia sẻ rất sâu sắc với Lâm, về những trải nghiệm và cảm giác của tôi về mô hình game NFT, và một nỗi lo sợ sâu sắc cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi sa chân vào con đường này. Nhiều quỹ đầu tư cũng góp sức tiếp tay đầu tư hàng chục triệu USD. Tiếp tay vì sợ lỡ thời cuộc trước khi nó lên giá tiếp nhiều lần- 1 dạng FOMO và bơm cho bong bóng lên.
Nói nôm na, NFT game là mô hình chơi game để kiếm tiền – là tiền ảo (play to earn) mà là tiền ảo do riêng công ty đó phát hành chứ không phải tiền BTC hay ETH bạn nhé (và họ sẽ cố đưa đồng này lên sàn giao dịch sau một thời gian thu hút được rất nhiều người chơi để tạo thanh khoản cho đồng tiền), nhưng để chơi được game đó thì phải trả một khoản tiền thật để mua một số tiền ảo do công ty game đó tạo ra, rồi dùng tiền này để tạo tài khoản (pay to play). Ví dụ điển hình là Axie Infinity (gọi vốn rất nhiều tiền) và sau này có thêm Green Beli cũng đang manh nha chơi game để bảo vệ trái đất và bảo vệ môi trường (nhưng có thực sự đằng sau đội ngũ founder có tâm huyết vậy không thì mình không rõ). Câu chuyện cả một ngôi làng ở Philippines chơi game để kiếm sống. Chơi game để bảo vệ môi trường nghe qua đã rất phi lí rồi, nhưng một số NPO và các nhóm cộng đồng cũng theo, vì sở hữu một ít tiền ảo đó mai mốt lỡ đổi ra được tiền thật thì sao? Tiếp tay quảng bá một chút cho các công ty này đâu có mất gì, còn nhận được cam kết tài trợ tiền ảo do công ty họ cho nữa?
Thay vì bỏ ra 5 phút phân loại rác, 1 tiếng để trồng 1 cái cây thì bây giờ bạn cày game 1 ngày, kiếm được 1 vật phẩm, bán kiếm 1 chút tiền ảo trị giá $$5, rồi bán tiền ảo này đổi lấy 50,000 tiền thật (mình quy đổi từ 5 – 10 USD/ngày mà cư dân ngôi làng ở Philippines kiếm được từ việc kiếm tiền ảo từ chơi game). Công ty game này được lợi 10,000 VNĐ từ giao dịch mua bán này, rồi họ bỏ ra 30% (3000Đ) để tài trợ cho một dự án môi trường. Nguyên cả quy trình này là một con số 0 tròn trĩnh (zero sum game), thậm chí là cả xã hội sẽ bị lỗ (loss, or negative sum game) game vì tiền thực chất chạy từ người này sang túi người kia (giống đánh bài), nhưng rất nhiều năng lượng tiêu tốn, công sức người tham gia chơi… sẽ bị phí hoài (thành ra tôi dùng từ loss-sum game). Nhưng bạn ơi, thậm chí bạn cũng sẽ không đổi được $5 tiền ảo đó thành tiền thật 50,000 VNĐ đâu vì luật VN mình chưa cho phép giao dịch. Nói chung là phí thời gian.
Trên lý thuyết, NFT (non fungible token) được dùng để định quyền sở hữu cho một vật phẩm duy nhất, có một không hai trên thế giới. Ví dụ bạn có một bức tranh bạn vẽ (hay ảnh bạn chụp), một bản nhạc bạn sáng chế, một ngôi nhà, một mảnh đất, hoặc bây giờ là sở hữu một món đồ trong game (một cây kiếm duy nhất, một chiếc khiên duy nhất có một không hai mà bạn phải mua mới có được hay phải trầy trật cày ngày ngày đêm – giống xu của các game bạn hay mua thôi nhưng giờ làm thành NFT), thường thì sẽ phải đăng ký chứng minh quyền sở hữu bằng cách đi công chứng, bảo vệ bản quyền với chính quyền, thì bây giờ bạn chỉ cần gắn một key duy nhất xác định bạn là chủ sở hữu của món đồ đó. Bạn không cần tốn thời gian đến công chứng cồng kềnh, mà cả thế giới đều công nhận. Không cần bất cứ luật pháp, quốc gia nào. Tất cả đều diễn ra qua một mạng phi tập trung. Nghe thì thấy thật phi thường, vì không cần chính phủ chính quyền nào công nhật, một xã hội không tưởng.
Nhưng một điều lạ, là có những sản phẩm bên ngoài bán với giá vài chục vài trăm nghìn, thì qua một vài cuộc mua đi bán lại thông qua NFT, lên tới vài tỉ. Quả thực thật khó hiểu, không thể hiểu nổi nó dựa trên logic gì? Bạn sở hữu NFT, hay nhiều loại tiền ảo có hiểu cơ chế đăng sau không? Ai đang đứng phía sau giật dây? (Một vài cá mập rất lớn, hoặc một số bộ óc thiên tài chi phối thế giới này – là có thật)
Năm 2008, cả thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng bởi , khởi nguồn từ Mỹ rồi sau đó lây lan ra toàn thế giới. Alan Green Span, cựu chủ tịch, ông trùm của FED (cục dự trữ liên bang Mỹ) với vài chục năm kinh nghiệm, từ một biểu tượng của uy quyền uyên thâm kiến thức tài chính, đã trở thành một kẻ tội đồ khi đã tiếp tay cho khủng hoảng này. Việc ủng hộ kinh tế thị trường và để cho thị trường tài chính tiếp tay cho việc để các khoản nợ dưới chuẩn được chứng khoán hóa (mortgage back, asset back securities) rồi bán cho nhiều quốc gia, nhiều quỹ đầu tư, quỹ tiết kiệm khác nhau để đầu tư (cái gì từ Mỹ cũng an toàn, ít rủi ro, khi mà sắp xếp theo tranches thì ai thích nhiều rủi hay ít rủi đều có chứng khoán phù hợp) từ quỹ lương hưu của người già cũng bị. Alan sau đó đã thừa nhận sai lầm, và nói rằng “nó đã trở nên quá phức tạp đến mức ông cũng không hiểu được”. Hàng triệu gia đình Mỹ mất nhà cửa vị bị siết nợ (foreclosure), kinh tế cả thế giới tiêu điều, lòng tin vào hệ thống tài chính giảm sút mà phải mất nhiều năm sau mới khôi phục. Điểm mấu chốt ở đây là ông để cơ chế thị trường quyết định mọi thứ (mà thị trường thì dẫn dắt bởi lòng tham – nên không hẳn để cơ chế thị trường vào lúc nào cũng đúng).
“Chiếc cột cái của cạnh tranh thị trường và thị trường tự do đã sụp đổ,” ông Greenspan nói. “Tôi vẫn chưa hiểu hết tại sao điều đó lại xảy ra.” – Alan nói.
Nếu Alan không hiểu được, thì bạn có hiểu được không?
Bây giờ giao dịch NFT, rồi các loại coin cũng đều do thị trường tự do quyết định đấy. Phi tập trung, phi chính phủ. Liệu chúng ta sẽ lập lại vết xe đổ, một cuộc khủng hoảng hay sẽ lên một bước tới thiên đàng Utopia?
Theo mình thì khả năng cao là 99% dân số khi mua bán đầu tư vào tiền ảo cũng không hiểu hết cơ chế của nó.
Đầu tư và đầu cơ cách nhau chỉ có một gang tay. FOMO – Fear of missing out – chúng ta sợ đứng ngoài cuộc chơi, và chúng ta phải tham gia cho bằng bạn bằng bè, và chúng ta đã tiếp tay vào bong bóng này, để nó càng ngày càng lớn dần lên. Đến một ngày, nó sẽ vỡ.
Chúng ta có thể vui mừng vì chúng ta kiếm được một khoản tiền kha khá, nhưng đồng nghĩa rất nhiều người khác chưa kịp rút ra sẽ lỗ rất nhiều. Và nếu tính luôn việc chúng ta phải vò đầu bứt tai mỗi ngày để vào theo dõi thị trường lên xuống, thì tất cả chúng ta đều thua.
Blockchain là một khái niệm rất hay, nhưng khi nó bị biến tướng ra thành muôn hình vạn trạng khác nhau đến mức khó hiểu và phi lí, thì đó là lúc chúng ta nên đặt dấu chấm hỏi.
Squid game coin meme (1 đồng tiền ảo cũng dựa trên cơ chế play to earn – NFT game ở trên) vừa sập vào ngày 1/11/2021, 9:35 AM (giờ VN), đi từ $2,856/coin về con số zero chỉ sau một đêm, với founder cao chạy xa bay cùng với số tiền thật hơn 2.5 triệu USD đó. Bao nhiêu người trắng tay, cũng chỉ vì đầu cơ, và bầy đàn. Không ai rõ founder là ai vì anh ta thông qua việc giao dịch BNB (1 đồng của sàn Binance là sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới, giao dịch theo cơ chế che giấu danh tính qua 1 trang tên là Tornado Cash). Nghe đến đây là đã thấy nó phức tạp cỡ nào rồi. Vầy thì tha hồ mà rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đây liệu có phải là thiên đường mà chúng ta muốn hướng đến?
Tôi không đánh giá cao nhiều quỹ đầu tư hiện tại, vốn mục tiêu là kiếm thật nhiều tiền, mặc cho việc họ có đang tiếp tay vào cho một cái trend tranh tối tranh sáng này và càng ngày làm cho nó càng trầm trọng hơn.
Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu siết lại hoạt động của một số công ty công nghệ lớn, khuyến khích việc đầu tư vào sản xuất so với các đầu tư vào các ứng dụng game, CNTT mang tính giải trí và ảnh hưởng nhiều giới trẻ, bóp chặt hoạt động của việc dạy thêm học thêm (thậm chí cấm cả việc dạy thêm học thêm trực tuyến), của các tiệm game, siết chặt thời gian chơi game của giới trẻ xuống còn 3 giờ/tuần. “Năm 2019, Bắc Kinh thông qua luật giới hạn trẻ vị thành niên chơi game, chỉ còn 1,5 tiếng trong tuần và 3 tiếng vào cuối tuần, không được chơi trong khoảng từ 22 giờ tối đến 8 giờ sáng. Luật cũng giới hạn số tiền trẻ vị thành niên có thể bỏ ra để mua vật phẩm ảo trong game, chỉ có thể dao động từ 28 – 57 USD, tùy thuộc độ tuổi.”
Ở một thái cực, nếu 99 người chơi game để cày NFT, mà chỉ một người xắn tay lên trồng trọt và nuôi xã hội, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Việt Nam có tỉ lệ các thanh niên sử dụng điện thoại rất cao, rất háo hức, ai cũng muốn làm giàu nhanh. Các game NFT hiện tại đang tạo ra một hệ sinh thái rất ảo mà tôi đang rất cảm thấy bi quan. Các em có hiểu tiền các em kiếm được từ đâu ra không?
Tôi lo lắng vì nhiều dự án cộng đồng hay, tạo ra giá trị thực không nhận được đầu tư, vì nó chậm tạo ra tiền, ROI thấp.
Có những thứ trong quá khứ mọi người nói không thể bị phá vỡ và rất uy tín, đã bị phá vỡ. Con người vốn bị long tham và thói quen bầy đàn chi phối, FOMO…
Tôi là một người rất thích chơi game, đặc biệt game AOE2 (Age of Empire 2), và tôi hay chơi với nhiều bạn bè của tôi lúc học cấp 3. Đến bây giờ, thỉnh thoảng cũng chơi 1 mình để đỡ nhớ. Quân yêu thích là Mongol (Mông Cổ) vì cung ngựa thủ linh hoạt, đột kích bất ngờ.
Nhưng tôi không thấy giá trị của mô hình pay to play, và play to earn. Tôi nghĩ bong bóng rồi sẽ đến lúc vỡ. Và chúng ta phải hết sức thận trọng khi phân bổ tài sản vào danh mục này và tiếp tay cho bong bóng lớn thêm.
Để khỏi bị biến tướng thành một mô hình đa cấp kiểu mới (1 dạng ponzi) thì mục đích của game phải là để thỏa mãn khát vọng được chinh phục, được vui vẻ, được thư giãn. Xin các bạn founder hãy suy nghĩ lại khi nhận được tiền của nhà đầu tư đơn thuần vì tiền. Họ sẽ thúc bạn vào một mô hình kiếm nhiều tiền nhất có thể, và lâu dài cả xã hội sẽ tổn thất. Tin tôi đi.
Hãy để blockchain được dùng vào đúng những việc cần nó nhất (smart contract, traceability). Và nếu bạn đã lỡ đầu cơ vào NFT game hay tiền ảo, xin bạn hãy có tâm và công bằng hơn với nhiều dự án xã hội khác đang đổ mồ hôi để cộng đồng và trái đất này tốt đẹp hơn.
Xã hội này tốt đẹp hơn là nhờ tấm lòng của bạn.